Nhiều học sinh, sinh viên kiên nhẫn chờ đến lượt mình tại buổi mặc thử Kimono do Hội Kimono Nhật Bản tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa Huế – 25 Lê Lợi. Ai cũng thích thú khi được một lần khoác lên mình trang phục của xứ sở hoa anh đào.
Ông Masatoshi Mutoh– Chủ tịch Hội Kimono Nhật Bản cho biết: “Đây là một hoạt động khác của chúng tôi sau khi tham gia trình diễn ở Đêm Phương Đông. Từ quan sát, các bạn sẽ có cảm giác thật hơn khi mặc trang phục này. Ban đầu, chúng tôi dự định chỉ cho mặc thử kimono mùa hè nhưng vì thấy du khách rất thích nên hội bổ sung thêm 2 bộ kimono kết hôn”. Trang phục kết hôn khá giá trị nên du khách chỉ được chụp ảnh trong phòng, hạn chế việc ra ngoài trời vì người mặc thử hầu hết là các bạn học sinh, sinh viên. Hai bộ kimono dùng trong đám cưới kèm theo cài hoa trắng được yêu thích nhất bởi những họa tiết thêu tay đặc sắc, ấn tượng. Tuy nhiên, do phải mặc nhiều lớp lót và mất nhiều thời gian hơn kimono thường nên các bạn chấp nhận đứng và chịu nóng hơi lâu. Vậy nhưng khi được ngắm nhìn mình trong những bức ảnh, ai cũng trầm trồ thích thú, có bạn còn reo lên vì không còn nhận ra mình nữa.
Nhật Trinh- sinh viên ĐH Huế chia sẻ: “Lần đầu tiên mình được mặc trang phục truyền thống của con gái Nhật Bản có tên là Yukata. Đây là một trải nghiệm khác so trang phục Việt Nam. Mình thấy để mặc trang phục yukata không đơn giản chút nào. Mình không thể mặc nó một mình được. Trang phục này rất đẹp và cầu kỳ”. Còn Hoàng Thị Lệ Trang, SV K8 tiếng Nhật trường ĐH Ngoại ngữ thì đến với buổi mặc thử có thêm mục đích khác: “Em vừa có cơ hội trau dồi ngoại ngữ đồng thời mở mang hiểu biết về văn hóa Nhật”.
Buổi mặc thử còn đón nhiều vị khách đặc biệt, cô Nguyễn Thị Nhạn (TP Huế), người lớn tuổi nhất đến tham dự kể: “Nghe thông tin được thử trang phục kimono truyền thống của người Nhật, tôi rất thích thú. Được mặc nó một lần cũng là ước ao của tôi. Trước đây tôi đã từng thêu những chi tiết trên kimono nên tôi biết giá trị của nó rất cao. Festival đã đem đến cho Huế một luồng sinh khí mới, đây cũng là cơ hội để người dân Huế hiểu biết hơn về văn hóa của nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới. Và Nhật Bản xinh đẹp là một nơi mà tôi rất muốn tìm hiểu”.
Một vài du khách nước ngoài, Việt kiều cũng ghé chân để thử cảm giác mặc kimono ra sao. Học sinh một số trường tiểu học không nén được tò mò cũng xin tham gia dù vóc dáng của các em còn nhỏ so với những bộ kimono mùa hè.
Cô Tsunakawa Chie, một giáo viên ở Hội Kimono Nhật Bản nói: “Lần thứ hai mang kimono sang Việt Nam, chúng tôi thấy rất vui vì nhiều bạn trẻ, người lớn tuổi đều tìm đến. Tôi thấy ai cũng yêu thích, hào hứng với trang phục này, điều đó thật ý nghĩa với những gì chúng tôi tâm huyết mang tới đây".